Trầm cảm sau sinh là một bệnh (hay hội chứng) hay gặp, ước tính có khoảng 1/9 phụ nữ sau sinh bị mắc. Nó bắt nguồn từ những sang chấn tâm lý của người phụ nữ, đặc biệt là sau sinh lần đầu: Đó là những stress họ phải đối mặt như vấn đề sức khỏe, hình thể, tâm sinh lý…họ cảm thấy hình như mình đã trở nên xấu xí, mất sự hấp so với trước, sợ bị chồng “chê”, phải thay đổi cách sống, cách làm việc để nuôi con…, người ta thấy rằng có khoảng 70% các phụ nữ này có “nỗi buồn” thoáng qua, cảm thấy sự “mất mát” nhiều thứ sau sinh mà không thể diễn tả hết được.
“Buồn” sau sinh là một loại rối loạn cảm xúc với các biểu hiện: Giảm khí sắc, buồn rầu, lo âu, dễ cáu gắt. Người ta cho rằng do thay đổi nội tiết tố sau sinh: Có sự sụt giảm nhanh chóng nội tiết tố nữ Estrogen và Progesteron. Nếu “buồn” chỉ kéo dài vài ngày thì không có gì đáng ngại – là tâm lý bình thường xảy ra khi hoàn cảnh mới phát sinh, nhưng nếu “buồn” này kéo dài (trên 2 tuần) có khả năng người phụ nữ đó đã mắc chứng trầm cảm. Lúc đó nên đi khám bệnh
Dù là trầm cảm sau sinh, nhưng nó vẫn có những tiêu chuẩn chuẩn đoán chung của trầm cảm, theo Bảng phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 (ICD -10) của Tổ chức Y tế thế giới năm 1992, mà Việt Nam đang áp dụng.
* Trong đó phải có 3 đặc trưng sau:
1. Khí sắc giảm
2. Mất quan tâm thích thú
3 .Giảm năng lượng, dễ mệt mỏi dù sau một cố gắng nhỏ
* Và thường có những triệu chứng phổ biến là:
1 .Giảm sự tập trung chú ý
2. Giảm sút tính tự trọng và tự tin
3. Có ý tưởng bị tội, không xứng đáng
4. Nhìn vào tương lại ảm đạm
5. Ý tưởng và hành vi tự hủy hoại hoặc tự sát
6. Rối loạn giấc ngủ
7. Ăn ít ngon miệng
*Tiêu chuẩn về thời gian: Các dấu hiệu kể trên phải kéo dài ít nhất là 2 tuần trở lên.
* Tuy nhiên, trầm cảm sau sinh có thể có một số đặc điêm riêng:
– Gặp khó khăn khi đưa ra quyết định
– Cảm thấy xa cách với con mình, không thích thú với con của mình
– Nghi ngờ về khả năng làm mẹ của mình quá mức cần thiết
– Lo lắng rằng mình sẽ làm đau con quá mức cần thiết
– Rối loạn cảm xúc: Buồn rầu, chán nản, hay khóc lóc vô cớ, lo âu, sợ hãi.Thường xuyên rơi lệ: Rơi lệ những ngày đầu sau sinh là cảm xúc bình thường khi được làm mẹ, nhưng khi quá 2 tuần có thể là dấu hiệu trầm cảm sau sinh.
– Giảm ham muốn tình dục
– Trong những trường hợp nặng có thể có triệu chứng rối loạn tâm thần: Hoang tưởng, kích động, đập phá, la hét…
* Điều trị: Kết hợp nhiều liệu pháp điều trị như liệu pháp hóa dược (thuốc chống trầm cảm, thuốc chữa mất ngủ, thuốc chống loạn thần… Tây y và Y học cổ truyền…), liệu pháp tâm lý v.v. Nếu nghi ngờ bị trầm cảm cần gửi đến các thày thuốc chuyên khoa tâm thần để xử trí.
* Phòng bệnh: Người phụ nữ trước và sau sinh cần rèn luện cho mình có một nhân cách mạnh để đủ khả năng chống đỡ với các stress, có đời sống tinh thần lạc quan và phong phú, có đời sống gia đình vợ chồng hài hòa, chuẩn bị cho mình thích nghi với hoàn cảnh mới sau khi có con, người nhà và nhất là người chồng cần động viên, an ủi vợ… có chế độ nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý v.v
Ngô Quang Trúc