Có người hỏi: “Mẹ tôi 63 tuổi, từ trước đến nay bình thường, nhưng thời gian gần đây hay quên, hay tranh cãi vô cớ. Vậy xin hỏi bác sỹ mẹ tôi có phải đã mắc Alzheimer?” (Những câu hỏi na ná như vậy chúng tôi gặp nhiều trong quá trình hành nghề).
Khi bạn thấy người thân của mình có 10 dấu hiệu sau đây thì cần phải cảnh giác với căn bệnh (Alzheimer) này: hay quên; khó khăn trong làm việc gia đình hàng ngày; có vấn đề trong diễn đạt về ngôn ngữ; mất khả năng định hướng; giảm khả năng phán đoán; khó khăn trong những suy nghĩ trừu tượng; đặt những đồ vật trong nhà sai vị trí; thay đổi cảm xúc và hành vi; thay đổi tính tình; mất khả năng đưa ra giải pháp để giải quyết một vấn đề nào đó nảy sinh trong cuộc sống.
- Biểu hiện bệnh Alzheimer
– Ở giai đoạn đầu (giai đoạn nhẹ): thường hay quên những sự việc mới xảy ra, ví dụ: quên không tắt đèn, không nhớ là mình đã uống thuốc gì, quên không khóa cửa, thay đổi tính tình: như ít nói hơn, cảm xúc có vẻ khô lạnh, thu mình khỏi các mối quan hệ xã hội (nhân cách khép kín dần dần).
– Ở giai đoạn tiến triển: người bệnh gặp phải những khó khăn trong giải quyết các vấn đề có tính chất trừu tượng như phải tính toán, lập kế hoạch, tính toán số liệu ở hóa đơn, tổ chức công việc hàng ngày. Người bệnh có thể dễ bị kích động, tranh cãi vô cớ, ăn mặc không phù hợp với hoàn cảnh (những biểu hiện này trước đây không hề có).
– Ở giai đoạn nặng: người bệnh có thể mất khả năng định hướng về không gian, thời gian và bản thân: không nhớ ngày tháng, không nhớ nơi mình ở, không nhớ được người thân, không nhớ những nơi mình đã đi qua, không nhớ được “mình là ai” (không nhớ được cả tên mình, nghề nghiệp của mình…), không thể tự chăm sóc cho bản thân…( Lúc này người bệnh như người vô hồn).
Trên đây là các dấu hiệu cơ năng có thể gặp nhiều trong bệnh Alzheimer, nhưng các dấu hiệu này cũng có thể gặp trong nhiều bệnh khác nữa, đặc biệt là bệnh về tâm thần và thần kinh như: trầm cảm, loạn thần ở người cao tuổi, bệnh mạch máu não, teo não. Muốn chẩn đoán xác định cần làm các xét nghiệm (máu, sinh hóa máu…) và chẩn đoán hình ảnh (chụp cắt lớp, cộng hưởng từ…) v.v
Vì vậy, lời khuyên của thày thuốc chúng tôi là: khi mà “ai đó” có thể có những biểu hiện như đã mô tả như trên, thì chớ chủ quan, nên đi khám bệnh để phát hiện bệnh sớm và để điều trị kịp thời; theo đúng phương châm của ngành y là: “phòng bệnh hơn chữa bệnh; chữa bệnh sớm tốt hơn chữa bệnh muộn”.